Trong Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: khi Việt Nam chuyển sang nền tảng chuyển đổi số thì vấn đề an ninh rất được coi trọng. Trong an ninh thì có hạ tầng viễn thông là câu chuyện sản xuất thiết bị 5G. Người đứng đầu ngành TT&TT hy vọng các đơn vị sẽ cho ra đời sản phẩm thương mại về thiết bị hạ tầng 5G và nhấn mạnh thêm, nếu các doanh nghiệp làm được thực sự là một bước phát triển rất mới, mạnh cho nền ICT Việt Nam.
"Trên thế giới không có nhiều nước sản xuất được thiết bị 5G, ngay cả Mỹ cũng chưa sản xuất được. Việt Nam mà sản xuất được thiết bị 5G thì có thể bán được sang Mỹ. Đến thời điểm này có khá nhiều các công ty của Mỹ đã chính thức đặt vấn đề với Việt Nam là nếu chúng ta mà sản xuất được thiết bị 5G thì Mỹ sẽ mua", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT)
Ông Nguyễn Minh Quang - Phó Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel phát biểu tại hội nghị (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT)
Về quá trình sản xuất thiết bị 5G, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel cho biết: Viettel thành lập Ban chỉ đạo cấp Tập đoàn điều hành dự án 5G, tập trung 300 kỹ sư nhiều kinh nghiệm tham gia dự án 5G. Về hạ tầng có phòng Lab 4G hoàn chỉnh. Hiện, Viettel đang hợp tác với một số công ty của Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ để triển khai chế tạo thiết bị 5G. Đang đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng phòng Lab 5G. Mục tiêu là làm chủ các công nghệ lõi trong 5G, có thể tái sử dụng cho nhiều sản phẩm khác nhau. Dự kiến, tháng 6-2020 sẽ thử nghiệm dịch vụ Microcell 5G trên mạng lưới. Toàn bộ sản phẩm 5G về phần cứng và phần mềm được Viettel nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam. Xây dựng đội ngũ nghiên cứu, phát triển công nghệ cao áp dụng các sản phẩm quân sự và dân sự.
"Chúng tôi sẽ không triển khai đồng loạt mạng 5G mà sẽ theo nhu cầu của khách hàng. Trước mắt, Viettel sẽ triển khai 5G ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các nhà máy thông minh, các bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, những nơi đòi hỏi tốc độ mạng thật đặc biệt, dung lượng cao, độ trễ thấp, thậm chí có thể truyền hình ảnh theo thời gian thực, để làm nền tảng cho những công nghệ mới", ông Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, mạng 5G có tác động lớn tới mọi lĩnh vực của đời sống và giúp tạo ra nền kinh tế số, mở rộng môi trường hoạt động của các ngành công nghiệp dựa trên hạ tầng mạng băng rộng. Về mặt thị trường, mạng 5G sẽ kích hoạt sự tăng trưởng trong việc bán thiết bị và dịch vụ di động vốn đang bão hòa. Trên thực tế, do chưa có tiêu chuẩn chung, nên những điện thoại thông minh tương thích với 5G vẫn chưa có mặt trên thị trường.
Nguồn: Trích từ bài viết trên báo Quân đội nhân dân ""Việt Nam sẽ sản xuất thiết bị 5G made in VietNam"