Các công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, Big data hay công nghệ quân sự cũng đều được các kỹ sư Việt phát triển và ứng dụng gần như song hành cùng các công ty công nghệ hàng đầu thế giới với mong muốn Việt Nam trở nên hùng cường.
Khát vọng mỗi người dân có một "đám mây" của riêng mình
Các nghiên cứu thị trường trước đây cho thấy, hơn 80% thị phần điện toán đám mây Việt Nam đang nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa hơn 80% dữ liệu của Việt Nam nằm ở nước ngoài.
Nếu người Việt Nam xây dựng được điện toán đám mây, sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt từ chỗ lưu trữ dữ liệu ở nước ngoài, bị lệ thuộc, đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thông tin, chuyển sang lưu trữ tại Việt Nam. Khi dữ liệu nằm trong lãnh thổ Việt Nam sẽ đảm bảo các vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin dữ liệu.
11 quốc gia Viettel đầu tư đều hoạt động trên nền tảng Viettel Cloud
Trước vấn đề đặt ra như vậy, Viettel đã quyết định phải xây dựng các Trung tâm dữ liệu đẳng cấp quốc tế với diện tích mặt sàn và số lượng tủ rack lớn nhất khu vực để trở thành hạ tầng cho chính phủ số và kinh tế số của Việt Nam. Nhưng rất ít người biết được rằng Viettel Cloud chỉ phải mất một năm để từ con số 0 trở thành số 1 bằng sự nỗ lực tìm tòi sáng tạo, tự tìm đường của đội ngũ kỹ sư tại Viettel Network.
Năm 2018, đội dự án Cloud chỉ có sáu người. Trong khi đó, từ khóa Cloud còn khá mới mẻ, ít người hiểu rõ nó là cái gì, vận hành như thế nào. Tài liệu về công nghệ cũng rất hạn chế, nhưng các kỹ sư Viettel đã làm với tinh thần "dò đá qua sông", tự mình mày mò nghiên cứu kết hợp học hỏi từ các diễn đàn, cộng đồng công nghệ trên thế giới.
Khi đó, nhóm nghiên cứu cũng đứng trước một thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua: yêu cầu tích hợp cả một khối lượng vô cùng lớn tài nguyên cũ và tài nguyên mới mà không có một hệ thống lab hoàn chỉnh, quy trình vận hành khai thác liên quan đến Cloud cũng chưa được xây dựng. Nếu không làm được việc tích hợp này, sẽ không thể nào có hệ thống dữ liệu đồng bộ, một hạ tầng đồng bộ, Viettel Cloud khó mà thành hình.
Viettel Cloud ứng dụng những công nghệ hiện đại cùng các Bigtech hàng đầu thế giới
Tuy nhiên, nhìn từ thị trường điện toán đám mây thế giới, các kỹ sư Viettel tin vào sự cần thiết của Cloud, tin vào những giá trị mà Cloud mang lại cho mạng lưới Viettel, cho cộng đồng, nên đã động viên nhau cố gắng vượt qua mọi thách thức để đi đến thành công.
Đến thời điểm hiện tại, Viettel Cloud trở thành nền tảng điện toán đám mây có quy mô lớn nhất Việt Nam, giúp người dùng quản lý hạ tầng vật lý, đồng thời tạo ra hạ tầng ảo một cách đơn giản và không tốn nhiều chi phí vận hành. Toàn bộ hơn 500 dịch vụ CNTT tại 11 quốc gia Viettel đầu tư đều hoạt động trên nền tảng Viettel Cloud. Năm 2023, Viettel đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng từ Viettel Cloud.
Hiện nay, Viettel Cloud tiếp tục được phát triển với đội ngũ kỹ sư chất lượng và số lượng đông nhất Việt Nam. Sản phẩm được các kỹ sư Viettel nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất, song hành công nghệ cùng các Big Tech hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực Cloud như Google, Microsoft, Amazone.
Vì sự bình yên của đất nước và bảo vệ người dân
Không chỉ trong lĩnh vực dân sự, ở lĩnh vực quân sự, Viettel cũng có những sản phẩm đạt chuẩn thế giới.
Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel chia sẻ: "Trong công nghệ quân sự, Việt Nam đã đi qua giai đoạn sao chép, giờ đã song hành cùng thế giới, chủ động trong việc tổng hợp thông tin từ thế giới, để từ đó sáng tạo giúp sản phẩm của mình đi nhanh nhất".
Trung tâm thông tin và tác chiến điện tử thuộc Viettel High Tech dành giải thưởng ngôi sao Viettel năm 2022
Năm 2022, chiến sự căng thẳng trên thế giới đặt ra cho Việt Nam và nhiều nước khác bài toán phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng UAV và UAV cảm tử. Viettel mà cụ thể là Tổng công ty Công nghệ cao và Trung tâm thông tin và Tác chiến điện tử (TTTT&TCĐT) đã nhận được sự tin tưởng của Bộ Quốc phòng cho nhiệm vụ không hề dễ dàng này.
Trong khi thiết bị chống UAV là một lĩnh vực mới, có nhiều công nghệ mới, phức tạp, là tổ hợp công nghệ liên ngành, kết hợp từ radar, quang điện tử…, thời gian một năm để nghiên cứu, phát triển sản phẩm là thách thức lớn đối với nhóm, Phùng Đức Phú - một trong những kỹ sư chính của dự án nghiên cứu chế tạo phòng thủ UAV của TTTT&TCDT, chia sẻ.
Không có tư liệu nghiên cứu, TTTT&TCĐT xác định cách làm là phân tích các đặc tính của UAV, đối thủ của chính mình, phân tích yêu cầu tác chiến. Hướng đi đã có nhưng khi triển khai, trung tâm lại gặp nhiều vấn đề bởi đặc thù của trinh sát UAV là một tổ hợp lớn, liên ngành kết hợp từ radar, quang điện tử do đó sẽ mất nhiều thời gian.
Sau nhiều lần thử nghiệm cho các kịch bản tác chiến, những lần thất bại tưởng chừng như không tìm ra được giải pháp thì các thành viên của Trung tâm đã tìm ra phương án tối ưu. Tổ hợp trinh sát UAV của TTTT&TCĐT đã hoàn thiện, sẵn sàng cho mọi tình huống bảo vệ Tổ quốc.
Phải hy sinh về thời gian và cả sức lực bởi độ khó của dự án, nhưng khi được hỏi đâu là động lực, các kỹ sư của TTTT&TCDT luôn cho rằng: "Được làm những dự án này, mình cảm thấy được đóng góp cho đất nước và bảo vệ người dân. Bên cạnh đó, được làm những sản phẩm mới, nghiên cứu công nghệ mới cũng tạo cho mình cảm giác rất kích thích, rất hào hứng, nhiều khi là khao khát đạt được công nghệ ấy".
Với chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu, Viettel đặt mục tiêu thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học để các sản phẩm "Make in Vietnam", "Made by Viettel" phát triển song hành cùng thế giới.
Tập đoàn khuyến khích các đơn vị tự chủ, đề xuất phương án phát triển để hiện thực hóa mục tiêu này. Cũng vì thế, cả đội dự án Viettel Cloud và Trung tâm thông tin và Tác chiến điện tử được vinh danh tại lễ tôn vinh Điển hình xuất sắc Toàn cầu Viettel's Stars 2022 của tập đoàn.
(Nguồn: Dân Trí)