"Đi biển là cái nghề vất vả nhất, quanh năm suốt tháng lênh đênh, thu nhập không biết được bao nhiêu nhưng sự cố thì lúc nào cũng rình rập, người ở nhà cũng không an tâm nếu có vấn đề"
Đó là những chia sẻ của anh Chiến, một ngư dân tại Hậu Lộc – Thanh Hóa với nhóm phát triển sản phẩm và đội ngũ kinh doanh của Viện NC&PT Viettel khi đi giới thiệu thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân VPLB.
Đội ngũ kinh doanh của Viện NC&PT Viettel tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm và lắng nghe chia sẻ của gia đình anh Chiến.
“Trước không có đầy đủ thông tin, chồng đi kiếm được tiền cũng mừng mà cũng lo. Thời tiết thay đổi khó lường. Một người đi mà cả nhà lo lắng, không biết người thân đang ở đâu. Ở làng chài này nhiều người đi mãi mà không thấy về”, vợ anh Chiến chia sẻ thêm.
Không chỉ vợ chồng anh Chiến mà rất nhiều ngư dân nơi đây đều có cùng suy nghĩ như vậy.
Họ cũng biết thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân là rất cần thiết, nhưng với giá bán trên thị trường hiện tại, ngư dân khó có thể tự trang bị được, cá nhân chủ tàu còn chưa có thì làm sao trang bị cho thuyền viên.
Anh Hiền, chủ tàu thu mua cá tại Thanh Hóa, chia sẻ: “Đã là thiết bị đảm bảo an toàn thì ai cũng cần. Trước đây tôi lái chục năm trên các tàu hàng lớn, họ trang bị đầy đủ lắm, thiết bị cho tàu và cho thuyền viên, nhưng giờ già rồi, về lái tàu thu mua cá này, vốn không có, có mỗi máy icom rồi bộ đàm, cứu nạn thì có dăm ba cái áo phao. Nhiều khi nghĩ nếu không may mà gặp áp thấp sóng gió to, icom hư thì cũng không biết làm sao để báo toạ độ cho họ đi cứu nữa".
Anh Hiền cũng khẳng định thêm: "Giờ có sản phẩm này của Viettel thì quá tốt rồi, nhưng chưa có điều kiện mua mỗi người 1 thiết bị đâu, mong Viettel có chính sách gì đó hỗ trợ chúng tôi thì tốt quá”.
Nhân viên kinh doanh của Viettel R&D trao đổi với anh Hiền chủ tàu thu mua cá tại Thanh Hóa.
Với kích thước nhỏ gọn, có thể gắn vào ngay áo phao của ngư dân, lại dễ sử dụng, VPLB đang mang lại “niềm tin” không chỉ chỉ cho ngư dân mà cả những người thân ở lại.
Viettel nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân này xuất phát từ triết lý vì con người của mình, khi nhận thức việc bảo vệ ngư dân chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thiết bị được sản xuất để người dân cả đời có khi chỉ dùng một lần, nhưng lần đó, thiết bị phải đảm bảo hoạt động tốt. Anh Năm, thuộc doanh nghiệp thuỷ sản Long Hải, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chia sẻ: “Trước doanh nghiệp chúng tôi đã biết đến thiết bị báo hiệu cứu nạn trên tàu (Epirb), tuy nhiên khả năng đảm bảo an toàn cho từng cá nhân thì sản phẩm này chưa đáp ứng được. Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt, tận tay cầm thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân này. Thiết bị VPLB do Viettel nghiên cứu chế tạo này thực sự cần thiết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn lao động trên biển cho các thuyền viên”.
Những thuyền viên nghèo, chỉ làm công ăn lương với mức thu nhập chỉ từ 4 đến 6 triệu/tháng mà nuôi cả nhà, chỉ mong Viettel làm sao tác động chủ tàu và có giá bán phù hợp để chủ tàu trang bị cho những người làm công.
Anh Nguyễn Trung Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng Hải Việt Nam (Vishipel) cho biết: “Thiết bị VPLB do Viettel nghiên cứu chế tạo đã đi theo xu hướng của thế giới và Viettel là đơn vị tiên phong đầu tiên của Việt Nam sản xuất ra sản phẩm này. Với những gì Viettel đang làm cho đất nước, tôi tin tưởng Viettel đang đi đúng triết lý kinh doanh của mình. Lần đầu tiên một sản phẩm của Việt Nam được cấp chứng nhận quốc tế của Tổ chức Cospas Sarsat, đó không chỉ là niềm tự hào của Viettel mà còn là niềm tự hào của cả Việt Nam".
Vishipel là thành viên thay mặt cho Chính Phủ Việt Nam của Tổ chức Cospas sarsat (tổ chức cấp chứng nhận quốc tế cho sản phẩm VPLB). Vishipel có trụ sở đặt tại Hải Phòng và hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, thông tin liên lạc hướng biển bảo đảm thông tin và truyền thông thông suốt 24/7, phục vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an toàn an ninh, bảo vệ môi trường trên biển, thông qua hạ tầng là Hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam.