"Tôi tin tưởng Viettel lắm, tôi thấy thiết bị chính xác, rất chính xác, khi đang điều khiển tàu giữa biển khơi, anh em nói có tín hiệu cảnh báo chạm vào phạm vi lãnh hải nước bạn. Anh em hỏi tôi có đánh bắt nữa không? Tôi gạt đi ngay!", Nguyễn Duy Chương – Chủ tàu CM-91968-TS và tàu CM-91969-TS tại Sông Đốc, Cà Mau đã nói như vậy khi được hỏi về thiết bị chuyên giám sát hành trình tàu cá dành cho ngư dân mà Viettel phát triển - S-Tracking.
Khi nào bị bắt thì mới biết... mình sai
Nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 3 năm, từ năm 2016, trước vụ 228 ngư dân Việt Nam được Indonesia trả về sau gần 2 tháng tạm giữ do vi phạm lãnh hải nước ngoài khi hành nghề đánh bắt hải sản ở vùng biển xa.
Trong số đó có Hoàng Văn Thành – ngư dân tỉnh Bình Thuận, người đã chia sẻ về cuộc sống mưu sinh nghề đánh bắt thủy sản.
Anh Thành chia sẻ: “Lênh đênh trên biển khoảng 20 ngày làm việc, chúng tôi bị lực lượng chức năng của Indonesia vây bắt, lập biên bản và đưa các tàu cá và ngư dân Bình Thuận về Indonesia vào cuối tháng 7, đến giữa tháng 9 chúng tôi được trả về. Chúng tôi được khuyên lần sau đừng có qua nữa nhưng cũng như một số thuyền viên khác, chúng tôi vẫn đinh ninh rằng mình đang đánh bắt trong vùng biển Việt Nam…”
Khi mà tất cả các nước đều có những hình thức xử phạt rất nặng với tàu cá vi phạm vùng khai thác, thì tình trạng những ngư dân vùng ven biển thực hiện đánh bắt xa bờ bị bắt do xâm phạm lãnh hải nước ngoài tăng lên rõ rệt. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám tại Hội nghị trực tuyến về một số vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, trong khoảng từ tháng 10/2017 đến tháng 7/2018, gần 600 ngư dân thuộc 77 tàu cá Việt Nam bị bắt giữ vì vi phạm lãnh hải đánh bắt.
Ý tưởng sản phẩm xuất phát từ nhu cầu thực tế
Đánh giá và nhìn nhận từ nhu cầu thực tế tại các vùng ven biển, Viettel nghĩ đến việc phải có một giải pháp công nghệ, hỗ trợ cơ quan quản lý, giữ gìn hình ảnh biển đảo Việt Nam và hơn hết bảo vệ người dân Việt Nam trong vùng lãnh thổ của đất nước.
Hệ thống quản lý và giám sát tàu thuyền S-Tracking là hệ thống giám sát hành trình tàu thuyền từ trung tâm quản lý điều hành tập trung; cho phép giám sát hành trình, trạng thái (đậu, chạy, mất kết nối, cảnh báo), tốc độ của tàu; cho phép gửi cảnh báo/tin nhắn 2 chiều từ bờ đến tàu và từ tàu đến bờ; tín hiệu cảnh báo gồm cứu hộ cứu nạn, báo bão, vượt biên giới, sắp cạn PIN nội, quá tốc độ. Tín hiệu kết nối giữa tàu và trạm bờ thông qua đường truyền GPRS; khi ra khỏi vùng phủ GPRS sẽ tự động chuyển sang kết nối đường truyền vệ tinh Iridium; đồng thời gửi SMS tới số điện thoại của chủ tàu, nhân viên điều hành, cơ quan quản lý khi có sự cố. Hệ thống hỗ trợ quản lý theo phân quyền các cấp: chủ tàu, bộ đội biên phòng quận/huyện/tỉnh, tổng cục/chi cục thủy sản.
Gắn việc kinh doanh với trách nhiệm xã hội, Viettel đã tập trung nghiên cứu, đánh giá trong hơn một năm, sản phẩm S-Tracking ra đời đáp ứng bài toán của cơ quan bộ, giải quyết vấn đề khó khăn cho người dân vào tháng 8/2018, thiết bị được Hội đồng thẩm định đánh giá phù hợp và cho phép triển khai.
Với khả năng chống nước, ngâm sâu 1m trong 30p, sử dụng năng lượng mặt trời và công nghệ đường truyền kết nối vệ tinh dùng mạng Iridium 9603; kết nối mạng di động GSM, thiết bị giám sát tàu thuyền của Viettel có thể đáp ứng được việc truyền tải tín hiệu ngay khi ở giữa biển khơi.
Hiện nay, mọi hoạt động của tàu cá được Viettel lắp đặt thiết bị, hàng ngày đều đang gửi vệ tinh về máy chủ trung tâm, giám sát điều hành được đặt tại đội biên phòng tỉnh Cà Mau. Tháng 1 năm 2019, Luật Thủy sản sẽ có hiệu lực với việc quy định các tàu cá phải gắn thiết bị giám sát hành trình mới được phép ra khơi. Và dự kiên, thời gian tối đa để hoàn thành việc này là đến tháng 4/2019.
Với 28 tỉnh ven biển, 26.000 tàu cá trên 15m nằm trong quy định bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát để đảm bảo hành nghề đánh bắt xa bờ. Một thị trường rộng mở, với sự đồng thuận rất lớn của cơ quan lãnh đạo tỉnh, đội biên phòng tỉnh. Chỉ trong thời gian đầu kinh doanh thử nghiệm, Viettel đã chiếm gần 90% thị phần tại Cà Mau. Tín hiệu đáng mừng cho một sản phẩm mới ra đời.
“Tôi nghĩ rằng việc quản lý các thiết bị tàu thuyền có liên quan ít nhiều đến việc an ninh quốc phòng, và không có nhà cung cấp nào có thể đảm bảo được vấn đề này như Viettel, máy chủ tập trung cũng đặt hết ở Việt Nam chứ không phải ở nước ngoài như một số nhà cung cấp khác.
Chúng tôi tìm hiểu và biết điều đó nên yên tâm và chắc chắn sẽ chọn Viettel để lắp thiết bị giám sát trên tàu của mình”- Đó là lời khẳng định chắc nịnh của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Dũng – chủ tàu CM – 91093 – TS và tàu CM – 91658 – TS. Và cũng là một điểm sáng cho tương lai của sản phẩm S-Tracking Viettel trên thị trường, gắn liền kinh doanh với trách nhiệm xã hội, vì sứ mệnh giải các vấn đề khó khăn của đất nước Việt Nam.