Năm 2010, thời điểm Viettel quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất hệ thống cảnh giới vùng trời, trong nước, hầu hết các đơn vị quân đội mới chỉ có khả năng nghiên cứu, cải tiến một số loại ra-đa thế hệ cũ. Trên thế giới, cũng mới chỉ có 8 quốc gia với các tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn mới có năng lực thực hiện công việc này.
Vượt qua nhiều thách thức, năm 2014 sản phẩm ra-đa hoàn chỉnh đầu tiên do Viettel sản xuất và làm chủ đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đưa vào sản xuất hàng loạt. Thành tựu nối tiếp thành tựu. Viettel liên tục vượt lên với dấu mốc mới như xuất khẩu ra-đa “Made by Viettel” (2017), sản xuất thành công ra-đa cảnh giới biển đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến (2018)…
Hệ thống ra-đa chỉ là một trong số nhiều trang thiết bị, sản phẩm quốc phòng công nghệ cao được Viettel phát triển thành công trong giai đoạn tìm "đường ra biển lớn". Sau 13 năm, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự “Make in Vietnam". Lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) giờ đây đã trở thành một trụ cột phát triển của Tập đoàn Viettel với nguồn doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đến nay, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội. Viettel cũng cung cấp những hệ thống tác chiến trên không gian mạng và các hệ thống mô hình mô phỏng phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo. Viettel làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng với 51 bằng bảo hộ sáng chế, trong đó 9 bằng bảo hộ do Hoa Kỳ cấp. Các sản phẩm của Viettel đều có tính năng tương đương các sản phẩm CNCNC cao trên thế giới, đạt trình độ sản xuất theo chuẩn quốc tế.
Tại Đại hội Đảng bộ của Tập đoàn Viettel lần thứ X (2020), Đảng uỷ Tập đoàn Viettel xác định rõ mục tiêu trở thành hạt nhân của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam. Chiến lược của Viettel là phát triển đồng đều cả quân sự - dân sự - viễn thông với phương châm làm chủ sở hữu công nghệ lõi, có đầy đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghiệp quốc phòng do Viettel nghiên cứu, phát triển. Ảnh do Viettel cung cấp.
Đến nay, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội. Ảnh do Viettel cung cấp
Tự chủ công nghệ cao để thoát bẫy thu nhập trung bình
Theo Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thì duy trì vai trò dẫn dắt trong phát triển công nghiệp công nghệ cao vừa là khát vọng, nhu cầu nội tại của Viettel vừa là yêu cầu của đất nước với Viettel.
Lịch sử cho thấy, khoa học - công nghệ luôn là nhân tố quyết định làm thay đổi sự cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia cũng như các lực lượng trên toàn cầu. Nếu một quốc gia chỉ biết mua sản phẩm, thiết bị của nước khác hoặc chỉ lắp ráp, gia công quốc gia ấy sẽ không bao giờ có được nền công nghệ cao hiện đại. Đáng lo ngại hơn là tình trạng phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài để tồn tại và phát triển đồng thời lại bị ràng buộc bằng những điều kiện bất lợi.
Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt trong hệ thống đổi mới sáng tạo tại các cường quốc trên thế giới. Các nước trên thế giới đều có xu hướng phát triển CNQP hiện đại, bảo đảm cho lực lượng vũ trang có trang bị kỹ thuật hiện đại, có sức mạnh chiến đấu cao nhằm ứng phó hiệu quả với chiến tranh công nghệ cao. Ở Việt Nam, quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua về phát triển CNQP là tự chủ, tự cường, hiện đại, theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành bộ phận quan trọng và mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) khẳng định: Trở thành tổ hợp CNQP công nghệ cao là khát vọng của Viettel và cũng là con đường Viettel chắc chắn phải đi. Có ba lý do để khẳng định điều này.
Thứ nhất là Viettel thấy rằng, chỉ có tự chủ được thiết bị công nghệ cao cho cả quân sự, dân sự thì mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và không bị phụ thuộc.
Nhìn ra các quốc gia xung quanh có thể thấy để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ, hướng tới những mục tiêu lâu dài, các nước đã và đang có những bước đi hết sức bài bản, tập trung dành ưu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Việt Nam sẽ không có nền công nghiệp công nghệ cao hiện đại nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi mua sản phẩm, thiết bị của quốc gia khác.
Thứ hai là, tiên phong, dẫn dắt luôn là yêu cầu được Viettel đặt ra trong quá trình phát triển của mình. Điều đó giúp Viettel thực hiện được những mục tiêu đột phá.
Thứ ba là, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Viettel bắt buộc phải chuyển dịch, thay đổi từ lấy viễn thông làm chủ đạo trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.
Kiểm thử sản phẩm ra-đa Make in Viettel. Ảnh do Viettel cung cấp.
Phát triển công nghệ theo mô hình tác chiến hiện đại
Đối với lĩnh vực CNQP công nghệ cao, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất các loại khí tài thông minh hơn, chính xác hơn, tin cậy hơn theo mô hình C5ISR (Command, Control, Communication, Computer, Cyber, Intelligence, Surveillance, Reconnaissance). Đây là mô hình tác chiến hiện đại được áp dụng ở nhiều nước có nền khoa học quân sự tiên tiến trên thế giới. Viettel tập trung vào các thiết bị thu thập thông tin, truyền nhận thông tin, xử lý thông tin…
Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông, Viettel mong muốn làm chủ các thiết bị hạ tầng của mạng 5G và triển khai diện rộng trên mạng lưới và tiến tới xuất khẩu, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng các sản phẩm chipset 5G cho thiết bị hạ tầng mạng 5G… Bên cạnh đó, Viettel xây dựng nền tảng kết nối vạn vật (IoT - Internet of Things) và phát triển các chuẩn kết nối thiết bị IoT tạo ra hệ sinh thái IoT của người Việt Nam, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho người dân và quốc gia, tiếp tục phát triển các thiết bị trong hệ sinh thái sản phẩm IoT cho hộ gia đình, y tế, giáo dục, giao thông, nhà máy thông minh. Viettel cũng nghiên cứu các công nghệ năng lượng xanh tập trung vào công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ quản lý sử dụng năng lượng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa phát thải vào môi trường.
Trong lĩnh vực quốc phòng, 5G sẽ giúp nâng cao chất lượng các hệ thống trinh sát, tình báo và giám sát và xử lý, các hệ thống hậu cần để tăng hiệu quả và cho phép các phương pháp kiểm soát và chỉ huy mới. Bên cạnh đó xu hướng áp dụng rộng rãi các trang bị kĩ thuật, robot tự động trong lĩnh vực quốc phòng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường.
Các sản phẩm công nghệ cao lưỡng dụng
Viettel cho rằng phần lớn các sản phẩm CNQP công nghệ cao có thể sử dụng trong dân sinh như UAV, vệ tinh viễn thám, hệ thống mô hình mô phỏng… Trong những năm tới đây, Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ của Viettel sẽ đầu tư phần lớn kinh phí để phát triển các công nghệ quốc phòng nền tảng và các sản phẩm công nghệ dân sinh sẽ được phát triển trên các công nghệ quốc phòng nền tảng đó. Và ngược lại, nhiều công nghệ ứng dụng cho lĩnh vực dân sinh cũng sẽ được Viettel nghiên cứu đưa vào các trang thiết bị phục vụ quốc phòng. Khả năng lưỡng dụng là cực kỳ quan trọng, đem lại giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh lớn. Tuy vậy, để phát huy lợi thế của công nghệ lưỡng dụng lại là vấn đề khó. Có những quốc gia có tiềm lực CNQP và công nghệ quân sự hùng mạnh nhưng chưa chắc đã phát triển được các sản phẩm dân sự có chất lượng và trình độ công nghệ cao.
Tư duy của Viettel là đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá. Cách của Viettel chuyển dịch từ quân sự sang nghiên cứu sản phẩm lưỡng dụng được bắt đầu ở một số lĩnh vực mà Viettel có thế mạnh như: Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống quang điện tử và hệ thống mô phỏng.
Viettel đã cơ bản làm chủ hoàn toàn công nghệ hạ tầng mạng lõi viễn thông như: Tổng đài chuyển mạch, hệ thống nhắn tin, hệ thống tính cước thời gian thực, hệ thống IMS, các thiết bị truyền dẫn 10Gbps và 100Gbps... thử nghiệm thành công mạng 5G, một số nền tảng, giải pháp mới cho dân sự như IoT Platform, AI Camera, bộ điều khiển ắc-quy lithium, nguồn thông minh. Từ đó, Viettel bước đầu hình thành các hệ sinh thái, các nền tảng dùng chung lai ghép giữa quân sự và dân sự áp dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ 4.0.
Định hướng của Viettel thời gian tới nhanh chóng phát triển làm chủ cả về phần cứng, phần mềm các hệ sinh thái số quan trọng của xã hội. Đây được coi là một trong những điểm then chốt quyết định tiến độ của sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của Viettel.
Đích đến của Viettel là một hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin hiện đại, thông minh phục vụ đất nước. Và điều lớn hơn cả đó chính là sự tự chủ của quốc gia về công nghệ, sự đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin của quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh.
Nghiên cứu sản phẩm thông tin quân sự Viettel. Ảnh do Viettel cung cấp
Đã làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng
Để xác định trở thành nòng cốt xây dựng tổ hợp CNQP công nghệ cao, Viettel đã có sự chuẩn bị từ hơn 10 năm trước. Đến nay, doanh thu từ nghiên cứu sản xuất đang dần chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu của Viettel. Chúng tôi đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự "Make in Vietnam", làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng, sở hữu nhiều bằng sáng chế tại các nước phát triển. Viettel đã làm chủ công nghệ, nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm cả quân sự và dân sự, có tính năng tương đương hoặc ưu việt hơn với các sản phẩm cùng chủng loại của các nước phát triển.
Sản phẩm quang điện tử do VHT nghiên cứu, phát triển. Ảnh do Viettel cung cấp.
Tư tưởng và cách làm của Viettel đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao chính là phải làm chủ từ gốc của quá trình nghiên cứu, phát triển, tự nghiên cứu, làm chủ tối đa công nghệ lõi như chipset, bán dẫn, phần mềm... chứ không đi theo con đường gia công, lắp ráp, sản xuất theo giấy phép của nước ngoài. Chỉ khi làm chủ sản phẩm thì mới chủ động đảm bảo kỹ thuật, thay đổi tính năng phù hợp, xây dựng được nguồn nhân lực có trình độ, tích luỹ kinh nghiệm trong nghiên cứu.
Chính vì vậy, Viettel xác định đối với từng việc, ví dụ về thiết kế phải làm chủ thiết kế hệ thống và sở hữu thiết kế. Hay như về sản phẩm, Viettel chia hệ thống thành các sub-system, xác định phần nào làm được ngay, phần nào cần đi mua thì có lộ trình làm chủ sản xuất tại Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, Viettel xác định sức mạnh ban đầu ở phần mềm - là lõi của sản phẩm và thế mạnh của Việt Nam, tiến tới làm chủ phần cứng và đặc biệt là chipset. Với một số lĩnh vực quan trọng khác như vật liệu mới... có thể theo hướng hợp tác.
Đặc biệt, về lưỡng dụng, kết hợp quân sự, dân sự, Viettel tối ưu bằng cách những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất sau khi được triển khai cho quốc phòng sẽ được ứng dụng cho dân sự, tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Giải pháp lưỡng dụng này vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng quốc gia, vừa giúp phát triển kinh tế đất nước.